Tết Dương Lịch, về quê thăm mẹ, tận hưởng những ngày nghỉ thảnh thơi không có hai chữ công việc bên cạnh, mình lại lan man, nghĩ ngợi nhiều điều. Cuộc sống đúng là một kho tàng, cứ lặng lòng suy nghĩ một chút lại thấy nó thú vị lắm í!
Hai mẹ con ngồi lặt rau sống chuẩn bị cho món bò nhúng giấm. Cầm cây sà lách lên, mình bảo:
- Nhớ ngày xưa khó khăn, mỗi lần lặt rau mình chẳng bỏ đi thứ gì mẹ nhỉ, lá già cũng lấy, lá nào dập thì tỉa phần dập đi, cố giữ lại bao nhiêu hay bấy nhiêu.
- Ừ, hồi đó khổ quá mà, mua cái gì cũng phải tính cho vừa đủ ăn, đâu dám bỏ phí.
Hai mẹ con ngồi lặt rau sống chuẩn bị cho món bò nhúng giấm. Cầm cây sà lách lên, mình bảo:
- Nhớ ngày xưa khó khăn, mỗi lần lặt rau mình chẳng bỏ đi thứ gì mẹ nhỉ, lá già cũng lấy, lá nào dập thì tỉa phần dập đi, cố giữ lại bao nhiêu hay bấy nhiêu.
- Ừ, hồi đó khổ quá mà, mua cái gì cũng phải tính cho vừa đủ ăn, đâu dám bỏ phí.
(Ảnh minh họa - nguồn: internet)
Thế là mình vừa lặt rau vừa suy nghĩ lung tung. Bất chợt mẹ hỏi:
- Con cười gì á?
- Dạ đâu có gì đâu mẹ, con nghĩ lung tung thôi à. Hồi đó khó khăn cũng có cái hay á mẹ. Đúng là cái gì khó có thì khó bỏ. Nhớ hồi đó đợi chờ lâu lắm mới có cái ti vi nội địa mà coi, nó hư tới hư lui cũng ráng mang đi sửa, đâu có dám bỏ. Bây giờ cái gì hư là bỏ, mua cái mới mà xài.
- Thì cuộc sống đỡ thiếu thốn, mua một cái mới cũng không phải khó như ngày xưa, với lại tiền đi sửa cũng tốn gần bằng tiền mua cái mới thì mua cái mới cho rồi.
Ừ thì đúng là cuộc sống đã làm suy nghĩ của con người thay đổi nhanh đến nỗi mình không kịp nhận ra. Ngày xưa mình cũng có thói quen "giữ lại, biết đâu mai mốt dùng được", thấy cái hủ, cái chai nào cũng giữ lại, biết đâu mai mốt xài. Giữ đến khi cái góc bếp chật cứng lại gom ra bỏ rác, thế mà vẫn cứ để dành. Rồi chẳng biết từ khi nào mình mất thói quen đó, cái gì xài xong lại vứt đi để đỡ chật nhà, mai mốt cần thì mua cái khác, chai lọ bây giờ rẻ bèo à.
Hồi còn nhỏ mình chứng kiến cảnh mấy ông hàng xóm vác cây đánh vợ. Thấy cảnh đó mình sợ vô cùng. Lớn lên mình cứ thắc mắc tại sao vợ chồng cứ đánh nhau mãi, chia tay có tốt hơn không? Đến khi lấy chồng rồi mình mới hiểu "cái thời đó" ly hôn không phải là chuyện đơn giản.
Nghĩ cho cùng thì cái gì khó lại hay chứ nhỉ. Cái gì càng khó thì khi cân nhắc "cầm" hay "buông" người ta sẽ cân nhắc hơn. Ngày xưa "ly hôn" là chuyện rất hệ trọng, có lẽ vì thế mà ông bà, cha mẹ chúng ta sống với nhau bền hơn. Mỗi lần ngồi nói chuyện với các cô các bác trong nhà mình hay nghe:
- Ổng "cù lần" lắm, có bao giờ biết tao thích cái gì mà mua cho tao đâu. Nhưng mà được cái ổng chịu khó lắm. Việc gì kiếm ra tiền nuôi vợ nuôi con là ổng làm. Có vậy mà tao thương!
- Ổng gia trưởng lắm mày ơi! Chuyện gì trái ý ổng là mệt lắm. Mà thôi, ổng biết thương vợ con, tao nhịn ổng một chút cho nhà cửa yên ổn.
- Bà nhà tao thì chỉ được cái cơm nước, chăm con cái là tốt. Tao chỉ cần vậy thôi, về nhà không phải suy nghĩ là được.
- Vợ tao ra vườn "cày" như đàn ông, ai cũng sợ bả. Nhưng tao xấu hổ chẳng bao giờ dám rủ bạn về nhà ăn cơm. Bả nấu hoài mà không khá lên được, nhiều khi đi làm về mệt tao kêu bả lặt rau để đó tao nấu luôn cho nhanh.
Chẳng biết vì sao mà mình thích cái cảm giác ngồi nghe chuyện gia đình của thế hệ đi trước, mỗi câu chuyện đều có một cái gì đó rất là "an phận" không đòi hỏi. Có lẽ nhờ cân nhắc "cái được, cái thiếu" của đối phương mà các cụ sống với nhau lâu bền.
Hôm nọ về nhà nghe dượng nói một câu mà mình thích vô cùng:
- Tao nói với dì mày: Lúc nào tui cũng nằm kế bên bà. Chỉ trừ khi tui đi trước thì tui mới không nằm chung giường với bà thôi.
Cuộc sống không tạo ra con người hoàn hảo, mình tin chắc điều đó, và mình chưa bao giờ đi tìm người đàn ông hoàn hảo. Cũng như trong suy nghĩ mình cần phải điều chỉnh cái "chưa được" của mình nó bớt dần đi cho chồng con được nhờ. Mong sao vợ chồng làm gì cũng cân nhắc, đừng "dễ cầm, dễ buông", để khi mình già, yếu, ốm đau vẫn có người nằm bên cạnh giường rót dùm ly nước cho mình uống thuốc. Với mình: sống không đòi hỏi mà là bù đắp cho nhau!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét